Xin các Đấng cho Giáo dân được quyền góp ý.
Chúng con xin trình bày ý kiến và nguyện vọng với các Đấng Bề-trên.
Đây là một đề tài nhạy cảm, khó nói, không ai muốn nói và dám nói vì sợ bị lên án phạm thượng; rất có thể đã có các Đấng Bề-trên ngang hàng cũng đã muốn nói nhưng vì nể nang hoặc sợ mất lòng nhau.
Nhưng thời kỳ gần đây có vài việc xảy ra đã thúc đẩy chúng con mạnh dạn nói lên đây với ước vọng đóng góp được chút gì hữu ích cho cộng đồng dân chúa.
Kính gửi các Đấng Bề-trên.
Chúng con xin mở đầu rằng: Cho dù những lời dưới đây có thể coi là xúc phạm. vậy chúng con xin minh định rằng chúng con vẫn tôn kính các Đắng vì chức thánh và chức vụ của các Đấng. Việc tôn trọng một người khác có hai phương diện:
Thứ nhất đó là chức phận trong đạo, ngoài đời hay tuổi tác, thứ hai là những hành vi hoạt động của một người, Và chúng con chỉ xin nói đến phương diện thứ hai này mà thôi.
Sơ lược vài hiện trạng của những phê bình chỉ trích trong Giáo-hội ngày nay: Thời nay, nhiều người đã học hỏi tư tưởng dân chủ nên làm quen với phê bình Giáo-hội nhưng phần nhiều thì chỉ âm thầm riêng rẽ to nhỏ. Nhưng ngày nay vì có các trang mạng tự do, nên một số người, có lẽ vì tâm trạng “tức nước vỡ bờ”, đã quá đà và đánh mất phép tắc, lễ nghĩa. Những bất đồng và bất hòa có khuynh hướng ngày càng tăng và chúng con nghĩ rằng mọi cấp bậc nên có một phút xét lại để xây dựng lại tình-cha-con.
Vậy chúng con xin phép được đóng góp vài ý kiến đề nghị trong vài lĩnh vực sau đây:
Thứ nhất: Cư xử theo quyền hạn hay tình-cha-con: Anh em chúng con thuộc thành phần có tuổi và ở thời xưa, thì việc tôn kính các Đấng-bậc trong giáo hội rất là trang trọng, nhưng nay, khi thế giới chuyển hướng sang các chế độ dân chủ cho nên con cháu của chúng con cũng có khuynh hướng cởi mở hơn vì vậy trong công đồng Vatican II, một số Giáo-phụ cũng đã khuyến cáo rằng: chúng ta không nên coi giáo dân là một thứ công dân hạng hai, chỉ biết cúi đầu vâng phục và đóng tiền…
Chúng con không hề có ý đòi chế độ dân chủ trong Giáo-hội mà chỉ muốn xin các Đấng hãy nhìn đến chúng con với một lòng thương yêu như những cộng sự viên. Chúng con không dám bàn đến lãnh vực quyền bính và chức vụ mà chỉ cầu mong được các Đấng cư xử với mọi thành phần dân chúa với thứ tình cha con, thương yêu và đối xử chân thành quý mến để cùng lo việc Chúa và việc đời.
Thứ 2: Chọn lựa mở mang cơ sở đồ sộ hay ưu tiên cho việc dẫn thân vào đời.
Suốt hai ngàn năm nay, giáo hội đã đóng góp vào cho kho tàng nhân loại bao nhiêu kiến trúc đồ sộ cổ kính, quý giá cả về mĩ thuật và kỹ thuật, nhất là ở các thế kỷ đầu, khi giáo hội phải phát huy cơ cấu căn bản và xây dựng tư thế với nhân loại. Ngày nay mọi kiến trúc cơ cấu đã chuyển hướng nhiều sang lãnh vực văn hóa giáo dục, y tế và bác ái để phục vụ xã hội.
Nhưng trước tình trạng suy thoái đạo đức ngày nay, ĐGH Gioan Phaolô II đã báo động và sáng lập đường hướng “Tân-phúc-âm-hóa” nhưng đến nay thì chưa mấy kết quả.
Trước hiện trạng xã hội đau khổ nghèo đói và đạo nghĩa suy đồi hôm nay, chúng con nghĩ rằng, giáo-hội, từ xứ đạo và giáo phận, nên giảm bớt xây dựng các cơ sở vật chất mà lo nhiều hơn đến cuộc sống của người chung quanh.
Thử nhìn hiện trạng xã hội hôm nay: Tuổi trẻ xa đạo và bỏ đạo vì trình độ giáo lý yếu kém, không đủ để đứng vững với thời đại, cuộc sống của họ mất quân bình về đạo đức và luân lý, nhiều người không muốn lập gia đình hoặc lập gia đình không muốn có con v.v. Vậy chúng con nghĩ rằng giáo hội nên chú ý đến tầng lớp dân chúng bình dân nghèo đói bất hạnh trước đã và giảm bớt các lãnh vực xây dựng nào không thực sự thiết yếu.
Đến đây chúng con xin mở ngoặc để nói về một lĩnh vực ở vải nơi và dường như đang bị lạm dụng ngày càng nhiều hơn. Đó là việc tổ chức các cuộc lễ ruớc kính Đức Mẹ ở nhiều nơi, liên tục. Đó là việc làm đạo đức rất đáng khen, tuy nhiên nhiều người có nhận xét rằng công việc này hình như chỉ chú trọng đến phần bên ngoài nhiều hơn là nội tâm và Đức mẹ như bị lạm dụng.
Thứ 3: Khi thực hiện các chương trình tu sửa chỉnh trang lại, xin cho chúng con được góp ý kiến trong các chương trình tu sửa các cơ sở trong giáo xứ, giáo phận.
Ngày nay giáo dân cũng có khả năng kỹ thuật và mĩ thuật cũng như về văn hóa và hiểu biết lịch sử cho nên chúng con mong muốn được góp ý kiến vào các công cuộc trùng tu, nhất là các cơ cấu có tính lịch sử của giáo xứ, giáo phận. Những cơ sở này tuy danh nghĩa là của giáo hội địa phương nhưng một số cơ cấu thì thì thực sự là do đóng góp của một số giáo dân với những cố gắng mồ hôi nước mắt của họ. Chúng còn nêu vấn đề lên đây vì xưa nay vẫn xảy ra nhiều chuyện đáng trách và đáng buồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều nơi.
Nếu cha còn không hiểu nhau thì khó có hòa hợp giữa cha con.
Để dễ hiểu vấn đề, Chúng con xin kể ra vài chuyện làm ví dụ như sau:
- Ở mot xứ đạo, có vài gia đình đã đóng góp xây dựng một đài Đức mẹ nhưng tới khi một cha xử mới đổi đến, ngài nói là vị trí không hợp nên ra lệnh phá đi, sau vài năm thì cha xứ mới đổi đến thì giáo dân lại xây dựng lại.
- Một nhà thờ có tên hơi dài, (tên này là một kỉ niệm thiêng liêng của nhóm giáo dân di cư vượt biên mà họ kể rằng Đức mẹ đã cứu họ trên biển cả, nên họ đã dùng tên Đức mẹ để ghi nhớ) cha xứ bắt sửa tên lại, thế là cha còn bất hòa nghiêm trọng.
- Đập bỏ một đài Đức mẹ có lịch sử từ ngày lập xứ đạo hơn trăm năm. Phải nhắc một điểm đáng chú ý là đài Đức Mẹ này dù đã hơn một trăm năm nhưng chưa hề bị hư hại một chút nào, mọi viên đá vẫn còn nguyên vẹn như nguyên thủy. Đây là giá trị lịch sử quý giá, nhưng cha xứ đã đơn phương đap pha đi và xây dựng lại mới, tuy đẹp và tân Kỳ hơn, nhưng sau đó mới hối tiếc vì không hiểu biết.
- Đổi tên một nhà dòng mà không chịu nghe lời can dán. Tên cũ là một biểu hiệu có tính lịch sử thiêng liêng và là công lao của các bậc tiền nhân.
Những chuyện tương tự như trên đây đã loan truyền khắp nơi và làm nản lòng nhiều người và gây bất lợi cho lòng kính mến lẫn nhau.
Chúng con không dám đặt vấn đề quyền hạn và chỉ xin các Đấng nhìn đến phương diện cha con hòa đồng trong đời sống đạo vả lại phần lớn các công trình đều có ít nhiều đóng góp của giáo dân về cả nhân lực lẫn tài chánh. Hơn nữa khi các Đấng đổi đi địa phương khác thì giáo dân vẫn là người ở lại với xứ sở.
Thứ 4: Việc điều hành tài chính chi tiêu.
Việc sử dụng tài chánh nên có sự góp ý của ủy ban chuyên môn và không nên độc đoán để mọi người đóng góp được hài lòng.
Khi nghe thấy những lời phê bình hay bất đồng của giáo dân một vài cha đã có những hành vi trả thù hoặc moi móc trên tòa giảng v.v. Việc này tuy đã bớt nhiều nhưng nên chấm dứt hoàn toàn vì đây là lạm quyền và tai tiếng loan truyển đi rất xa.
Thứ 5: Xin kiểm chế những phương thức quảng cáo quá đáng khi gây quỹ:
Những phương thức kích động lòng ganh đua, khoe khoang tên tuổi hoặc bằng khen lớn bằng khăn nhỏ, rồi đến các cách thức tâng bốc tên tuổi “ông cố, bà cố” một cách trịnh trọng quá đáng, hoặc ông Trùm ông Trưởng, rồi đến sự chia rẽ tranh chấp tại các ban ngành trong cộng đoàn…
Những chuyện đáng buồn kể trên chỉ thấy nhiều ở Cộng đồng Việt Nam, nhưng nay có vẻ đã bớt đi ở thế hệ trẻ. Anh em chúng con đôi khi cũng đã thử phân tích thì nhận thấy thế này: Nhìn chung thì lớp trẻ nếu có học và đã thành công hoặc có chức vụ trong xã hội thì họ không còn thấy chức vụ ông trùm ông trưởng là đáng kể, nên họ không khỏe khoảng nửa.
Thứ 6: Lên án hay nên cảm thông. Chúng ta luôn có khuynh hướng lên án hơn là cảm thông, trong khi Chúa nói rằng ai không có tội thì ném đá trước đi… Thử đặt mình vào hoàn cảnh các tội nhân hay phạm nhân để tự hỏi mình sẽ làm gì khi ở hoàn cảnh của họ, thử ngồi xuống cạnh họ để cảm thông và giúp đỡ họ.
Kết luận:
Chúng con xin bày tỏ nỗi ưu tư về thế hệ con cháu của chúng con, mà ngày nay nhiều người đặt tên là: “Thế hệ Z”, là lớp tuổi trên dưới 20. Chúng rất giỏi về iPod và iPhone, nhưng rất lơ là về đạo lý và có tư duy khác với thế hệ trước. Họ cần được đặt ưu tiên về nâng cao những chương trình giáo lý hoặc giáo dục gia đình hôn nhân v.v.
Chúng con muốn nhấn mạnh rằng: Xã hội và Giáo-hội chưa có những chương trình gì đáng kể về lĩnh vực giáo dục hôn nhân và gia đình.
Xã hội hôm nay ngày càng nhiều bất công và thối nát. Xin các Đấng can đảm lên tiếng để can dán giới quyền lực để giúp đỡ giới nghèo khó.
Bớt khuynh hướng xây cất cơ sở nội bộ và hướng ra ngoài để truyền giáo. Hãy nhìn xuống và sống với người nghèo để hiểu nỗi khó khăn của họ.
Nên mở lòng lắng nghe ý kiến giáo dân và các ủy ban chuyên môn cố vấn, nhất là trong các chương trình có ảnh hưởng đến sinh hoạt giáo dân hoặc sinh hoạt xã hội.
Mở lòng lắng nghe cả những lời phê phán, dù là không rõ nguồn gốc (khó có ai dám nói ra tên tuổi của mình khi phê phán người khác) miễn là lời phê phán có gì là sự thật chăng.
Một linh mục đã viết: Linh mục là một bác sĩ tâm linh nhưng ngày nay cũng phải biết về nhiều mặt như là kinh tế gia đình, dạy dỗ con cái, tâm lý xã hội v.v. Vì vậy bác sĩ tâm linh này cũng đôi khi sơ suất mà không bắt mach đúng bệnh lý chăng.
Trên đây là những ý kiến và nguyện vọng của chúng con.
Chúng con biết rằng: Chân lý không phải do đám đông, nhưng đám đông cũng giúp tìm ra chân lý.
Nguyễn Thất-Khê
Comments