top of page
Nguyễn Thất-Khê

Tân Phúc-âm hóa và Thư chung HĐGMVN 2013.

Lời trần tình:

Chúng tôi là những người đông con nhiều cháu, nên rất chú trọng nghe ngóng học hỏi về tuổi trẻ: Đọc chúng viết trên mạng và nghe chúng bàn luận với nhau…

và những cảm nhận dưới đây nói lên sự suy tư của chúng tôi với mục đích là phản ảnh và góp ý với các bậc cha mẹ hoặc các vị lo về giáo lý, giáo dục.


Chúng tôi xin trình bày sự hiểu biết của mình như sau:


ĐGH Gioan Phaolô II khởi xướng đề tài “Tân Phúc-âm hóa”, Ngài nói đến vài lãnh vực rất đáng chu ý như: …nhiều người giữ đạo theo thói quen - trọng bề ngoài - vị luật...


Anh em chúng tôi có bàn thảo để hiểu ý Ngài là nếu phải cải đổi cái “theo thói quen”, nghĩa là muốn đổi mới cách giữ đạo thì phải làm thế nào?


(Đây có thể là một đề tài tế nhị vì ngay khi ĐGH mới đề xướng thì hình như đã gặp phải sự phản ứng tiêu cực và hình như Ngài đã bỏ lửng chương trình…)


  1. Tại sao giới trẻ bỏ đạo (đổi sang đạo khác)


Khi ĐGH nói đến việc giới trẻ ở Tây phương bỏ đạo (Công giáo) để sang đạo khác. Ta hiểu rằng: Họ vẫn đi tìm chân lý, nhưng không tìm thấy trong đạo Công giáo là đầy đủ.Vì vậy, chúng tôi xin phân tích đến việc giới trẻ đã được dạy dỗ thế nào về đạo giáo:


Nguyên do chính là sự giáo dục từ nhỏ đã không giảng dạy cho lớp trẻ được căn bản giáo dục có chiều sâu lương tri mà chỉ chú trọng tới bề ngoài và vị luật, ví dụ từ tuổi nhi đồng, các cách thức học giáo lý chỉ chú trọng đến học thuộc lòng vài bài kinh và vài bài giáo lý, các cách giải thích giáo lý thì thiên về sợ hãi nghĩa là sợ bị phạt, hình ảnh ma quỷ và sa hỏa ngục… và thời gian học giáo lý cho tới khi chịu lễ lần đầu của một em nhỏ là quan trọng nhất, sau đó là thời kỳ kế tiếp thì tương đối ngắn hơn đó là chuẩn bị cho thêm sức. Sau đó nếu ai có học hỏi thêm thì phần lớn là do tự nguyện bằng cách đọc sách báo.

Tuy ngày nay ở nhiều nơi cũng có những lớp giáo lý cho người lớn nhưng không bắt buộc.


Theo sự suy diễn của chúng tôi thì hậu quả của phương thức giáo dục tiêu cực này đã gây ra vấn đề tuổi trẻ bỏ đạo. Vì sự giáo dục không tích cực di vào chiều sâu tâm thức của lớp trẻ, không thông hiểu về giáo lý nên họ không đứng vững trước nghịch cảnh của cuộc sống.

Và cũng cùng một vấn nạn là nhiều người công giáo ở tuổi trưởng thành cũng chi giữ đạo một cách hời hợt, theo thói quen, ví dụ: ngày nay nhiều người vẫn hỏi ăn chay có được ăn nhân thịt trong bánh? Dự lễ chủ nhật đến hết phần nào mới đúng luật, không bị tội; hoặc Chúa ở khắp mọi nơi tại sao phải đến nhà thờ mới đi lễ được và v.v.


Những điều này chứng minh rằng giáo dân không được học hỏi giáo lý đầy đủ để giữ đạo.

Một số Tín hữu khác thì chi giữ đạo trong nhà thờ, kinh kệ sốt sắng, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày thì sống chẳng khác gì vô đạo: thiếu đạo đức, gian tham, dối trá, lừa đảo…


Chúng tôi cung nhận thấy rằng vẫn có một số đông giáo hữu tuy không rành rẽ giáo lý nhưng họ sống rất đạo đức và rất vững vàng, cũng theo nhận định của chúng tôi thì phần đông những lớp người này có cuộc sống bình dân, không va chạm hay bị lôi cuốn nhiều vào thế giới văn minh vật chất và có lẽ vì vậy họ vẫn giữ đạo được vững vàng.


2. Làm sao sửa đổi cách giữ đạo theo thói quen.


Thư chung HĐGMVN, 2013 viết: “Đổi mới trong phương pháp, Đổi mới trong cách diễn tả”

và văn thư nhắc đến vấn đề gia đình.


Mô hình gia đình ngày xưa ở nhà quê thường là đông con cái, ở chung một mái nhà, làm việc và học hành cùng giờ giấc, ăn cơm chung, đọc kinh chung một cách dễ dàng.

Ngày nay gia đình thường chỉ co 2, 3 con, chỉ ở chung nhau cho đến khi khôn lớn, học hành, sinh hoạt và giờ giấc khác nhau, khi trưởng thành thì ở riêng. Ngày xưa khi ở chung thì cha mẹ thúc giục con cháu đi nhà thờ, nay con lớn khôn bỏ quê lên thành phố đi làm, thuê phòng ở riêng, tự lập…


Công cuộc truyền giáo phải có khuynh hướng đi ra ngoài nhà thờ đến với những người không còn đi lễ, không còn cha mẹ thúc giục.


Truyền giáo không còn có nghĩa là đi các xứ xa xôi mà ở tại chỗ. Sống đạo phải được nhận thức rõ hơn: thành thật, liêm chính trong công việc hằng ngày, buôn bán, trong công tư sở.


Lời khuyên gia đình phải ăn cơm chung, cầu nguyện chung ngày nay là khó thực hiện vì các thành viên hầu hết sinh hoạt tản mác hoặc không khí sinh hoạt không hợp như xưa lúc con cái còn ở chung với cha mẹ. Vậy phải nghĩ thêm giải pháp khác.


HỌC KINH VÀ ĐỌC KINH:

Nhiều người, kinh kệ đọc rất trơn tru thuộc lòng nhưng ít người có dịp được học và hiểu thắm thía ý nghĩa: Có những kinh thông thường dễ hiểu nhưng cũng có nhiều kinh có ý nghĩa thâm sâu đáng để suy niệm và các kinh quan trọng về Đức Tin đáng được học hỏi sâu rộng như các kinh Tin-kính, kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội v.v. nhất là các kinh nguyện trong thánh lễ (mà nhiều kinh có lịch sử từ ngàn năm do các Giáo-phụ đã cân nhắc từng câu từng chữ, cao siêu về Tín lý, Tin, Cậy, Mến) cần được cho giáo dân học hỏi sâu rộng và chi tiết, để hiểu sự quan trọng của Thánh lễ do đó mới có thể thông công thánh lễ một cách sốt sắng. Trên thực tế ngày nay, một số người vẫn không hiểu Thánh lễ là gì, vẫn có người nói Chúa ở khắp mọi nơi, đâu cần phải tới nhà thờ mới đi lễ, nghĩa là họ không hiểu phải đi lễ mới được gặp Thánh-thể.’


HỌC GIÁO LÝ:

Theo ý chúng tôi thì giáo huấn, giáo dục cho các trẻ em ngay từ nhỏ, phải có tính chất thực tại và chú trọng đến khía cạnh tâm linh tâm thức gồm cả đức dục và trí dục, ví dụ: nói dối ăn cắp ăn trộm là có tội, là sa hoả ngục… đây là phần trừu tượng; phải cụ thể hơn, ví dụ: nói dối thì có hại đến anh chị em, hàng xóm, làm họ bị thiệt hại… hoặc chính mình đã từng bị thiệt hại vì người khác nói dối về mình. Nghĩa là áp dụng nhân bản, cụ thể “người đối với người”. Khi con người được cả đức dục và trí dục cùng với sự thông hiểu tương xứng về giáo lý thì mới dễ dàng đứng vững trước nghịch cảnh của cuộc sống.

Việc học giáo lý nên đặt nặng đến những đức tính công bằng bác ái một cách cụ thể giữa “Người và người” là cấp độ dễ nhận ra vì nó trực tiếp, dễ thu phục. Ví dụ lớp trẻ ở các nước tân tiến phần lớn biết tôn trọng vệ sinh chung, giữ sạch sẽ, tôn trọng trật tự luật pháp hơn, ngay thẳng hơn, ít trộm cắp tham lam. Khi con người đã sống tốt ở mức “đạo làm người” thì con người dễ dàng chấp nhận đạo Chúa.

Ở những người lớn, nhiều người công giáo cũng không hơn người ngoại giáo: làm ăn thiếu thật thà, mua thừa bán thiếu, quảng cáo giả dối, lừa đảo…


Nhiều kinh kệ ngày xưa rất ý nghĩa, đầy đủ về giáo lý, nên dùng trong lớp giáo lý để giáo dân được học hỏi và hiểu những ý nghĩa của các kinh kệ, nhất là các kinh có tính chất Tín-điều và Tín-lý, để khi đọc hằng ngày dể sốt sắng hơn và cùng lúc thấm vào chiều sâu tâm thức và áp dụng vào cuộc sống. Trong cuộc sống hằng ngày, khi nghe ngóng tuổi trẻ, chúng tôi thấy khá rõ một điều rằng: Nhiều bài vở tài liệu nói về Kinh-thánh hay đạo lý đã dùng cách thức diễn giải quá đơn giản chỉ hợp cho giới bình dân ít học. Cần đổi mới cho hợp với tầm vóc trí thức và tâm lý của thế hệ trẻ. Nói chung thì giới trẻ hôm nay muốn nghe giải thích Kinh-thánh hay đạo lý với một chiều kích triết lý hơn xưa.

Nếu gặp những vấn đề mình không hiểu thì nên can đảm nhận là mình chưa hiểu, không nên cố tình giải thích cong queo. Khen chê quá mức cũng không phải là điều tốt. Hãy bắt chuớc ĐGH Benedíc 16, khi một em bé hỏi ngài tại sao Chúa để cho đau khổ: Ngài đã trả lời: Việc đó cha cũng đang suy nghĩ… Giải thích đạo lý thiếu chất triết lý, quá trừu tượng, uốn nắn theo ý mình và đôi khi có tính cách cưỡng bách, cả vú lấp miệng em, khen chê quá mức. (“khen chê quá mức” thường thấy ở lãnh vực suy niệm, ví dụ: trong mùa chay này, nhiều người hay nhắc đến câu: Khi quân dữ đóng mạo gai trên đầu Chúa thì “72 cái gai thì lọt vào óc” của Chúa. Nhiều người vẫn cho đây là giáo lý. Vì vậy nên có sự phân biệt giữa giáo lý và suy niệm).


Người bán hàng có thể quảng cáo quá mức cho món hàng mình bán nhưng người bán Chân-lý không nên quảng cáo quá độ mà phải trình bày đúng đắn với lý luận chân chính.

Có vài điều mà chúng tôi nhớ được về đại hội các Giám-Muc Thế-giới năm 2008, trong đó đề tài chính là duyệt lại các bài giảng trong Thánh lễ, vài Giáo-phụ đã phê bình các bài giảng thời nay với những ngôn từ mạnh mẽ mà chúng tôi không muốn nói ra đây.

Tóm tắt thì các tài liệu này đều quy về cách giảng dạy sao cho thực tế, khả thi, đi sát với thế giới ngày nay.



Tóm lại: Ở phần hai này, chúng tôi muốn gợi ý với các vị có trách nhiệm về giáo dục, giáo lý, suy xét lại những tài liệu về giáo dục, giáo lý và hệ thống hóa tài liệu và phương thức giảng dạy chú trọng đến chiều sâu tâm thức và ở phần ba tiếp theo đây chúng tôi xin đề nghị phương pháp chuyển tải những phương pháp “truyền giáo mới” về lãnh vực sống đạo.

3. “Phương pháp truyền tải chất liệu giáo dục tới đại chúng”:


“Đổi mới trong phương pháp”: Làm thế nào chuyển đạt đạo lý vào đời sống hằng ngày của đại chúng? ví dụ tận dụng kĩ thuật số qua iPhone.

Từ nhiều chục năm nay, đã có rất nhiều các website công giáo lớn nhỏ, nhằm đem tin tức đến đại chúng nhưng số người đọc so với tổng số người công giáo thì rất ít và điều đáng chú ý là số ít người đọc này lại là lớp người tự đi tìm website để đọc, tôi xin nhấn mạnh rằng kể cả những người ngoan đạo cũng không để ý đến sự hiện hữu của những website công giáo và phần đông cũng không rành rẽ hoặc không sẵn có các phương tiện mà các website thường sử dụng.

Theo tâm lý chung thì ít người muốn đi tìm đọc về tôn giáo, hay luân lý đạo đức, vậy ta phải chủ động đem đạo vào đại chúng. Ta phải học hỏi theo các cơ sở buôn bán cách thức họ gửi đến các iPhone những chất liệu phù hợp với trình độ và theo thời khắc biểu của từng lớp người.


Để cho dễ hiểu, chúng tôi xin cụ thể hoá một mô hình đề nghị làm mẫu như sau đây:

(Xin xem phụ lục ở phần cuối sau đây)


ĐỂ KẾT LUẬN:

Ước gì Lời Chúa và những bài giảng, bài ca được chuyển tới những người ít khi đến nhà thờ.

Ước gì Đạo Chúa được người ta nghe theo rồi giữ đạo và sống đạo.


Xin tự an ủi: Có thể coi việc bỏ đạo của giới trẻ là tự nhiên vì rằng khi nói đến việc đạo đức hay là tập tành tính tốt thì tự nhiên người ta ngại ngùng, luời biếng và buông xuôi.


Nhưng, như một chu kỳ tự nhiên là nhiều người khi về già, lớn tuổi thì tỉnh ngộ và tiếng nói lương tâm đánh thức họ thay đổi cuộc sống hoặc khi con cháu lớn lên thì họ nhận ra được hạnh phúc gia đình và vui sống hòa đồng với con cháu và tham gia với những hoạt động nhà thờ hay học đường với chúng và trở thành đạo đức.


Nguyễn Thất-Khê

-----------------------------



Phụ Lục:

Đây là những ý kiến đơn sơ thô thiển, nhưng chúng tôi cũng xin viết ra để quý vị dễ hiểu về phương thức mà chúng tôi muốn đề nghị.


1/ Chuyển tải nhiều lần trong ngày đến các IPhone:

Học hỏi các phương pháp marketing thời nay để chuyển đến các iPhone một cách tự động theo cách Message/Voice bài vở hoặc cống hiến độc giả những links đến các website.

Chất liệu:

  • Soạn bài vở chú trọng đến thành phần thờ ơ với đạo, rồi đến thành phần ngoan đạo.

  • Các câu ngắn gọn cho người ít thì giờ và dài hơn cho người nhiều thì giờ).

  • (Xem vài ví dụ mẫu suy niệm ngắn duới đây)

  • Đề tài:

  • - Giữa người và người: Nhắc nhở về công bình, bác ái, liêm chính…

  • Giữa người với Chúa: Đọc kinh cầu nguyện, giáo lý, bài giảng



Dưới đây là vài mẫu suy niệm ngắn cho những người không có thì giờ.

2/ Đế gửi đến các iPhone theo cách Message/Voice, nhiều lần trong ngày:


Tìm Thiên-chúa:

  • Ngoài Thánh-kinh, thì sự hiện hữu của dân tộc Do Thái là nhân chứng sống, chứng minh sự hiện hữu của Thiên-chúa: Từ Tổ-phụ Abraham, trải qua biến cố trốn thoát khỏi Ai-cập, rồi với “Lễ Vượt Qua” mà mọi gia đình Do Thái hằng kỷ niệm ở mọi nơi trên thế giới từ bao đời nay.

  • Nếu bạn muốn tìm chân-lý thì phải có óc cởi mở để cân nhắc mọi lý lẻ nghich với ý mình.


  • “Các con phải biết lý luận những điều các con tin” (lời ĐGH Pio-11), nhưng bạn cũng phải phải mở lòng để đón nhận những cảm nghiệm mà bạn không thể lý luận.


  • Tôi tin có Đấng Tạo-hóa dựng nên vũ trụ, cho dầu tôi không biết đủ để lý luận, nhưng vẫn dể hơn là tin vũ trụ tự nhiên mà có.

Rèn nhân-cách:

  • Nếu có ai đặt lòng tin tưởng vào tôi thì tôi phải đối xử lại một cách chân thành tương xứng để chứng tỏ tôi là người có tư cách và nhân phẩm.

Gian dối, lừa đảo với bất cứ ai: bạn bè, khách hàng thì tôi là người vô nhân cách.


  • Thấy việc tốt, việc phải mà không làm hay thờ ơ với người nghèo khó xung quanh mình thì tôi là người thiếu nhân cách.


  • Kể cả việc rất nhỏ như vứt rác ra đường hoặc phá hoại đồ vật công cộng đều là thiếu tư cách.


  • Nếu tôi là công nhân tôi ăn lương 8 tiếng thì tôi phải làm đủ 8 tiếng. Đó không chỉ là công bằng mà còn là đạo đức con người.


  • Tôi không nên quảng cáo quá mức món hàng hoặc bán quá giá vì đó là gian dối, lừa đảo, không xứng với nhân phẩm của tôi.


  • Ghen tị, khoe khoang thường thấy ở kẻ đạo đức giả và tôi phải tập tránh ganh tỵ khoe khoang.


  • Nếu tôi đủ can đảm viết ra những khuyết điểm và lỗi lầm của tôi và thành thật nhận ra những điều mà thiên hạ nói xấu về tôi thì đó đã là một bước tiến đáng kể, khởi đầu cho việc sửa đổi.

Hướng về tha nhân:

  • Nếu tôi không bị ở trong lớp người nghèo khổ thì tôi phải coi đó là sự may mắn và tôi phải nhận ra bổn phận chia sẻ với người khác; nếu chưa làm được thì ít ra phải bắt đầu bằng gây ý thức bổn phận phải làm.


  • Xin cho những người đầy lòng tham biết hồi tâm để thương đến nhân loại nghèo khổ mà bớt đi tham nhũng hối lộ.

Chỉ cần giảm thiểu 50% tham nhũng hối lộ thì hàng triệu triệu người trên thế giới sẽ hết đói nghèo.


  • Sự thành công của tôi có thể là do tài năng nhưng cũng có thể phần nào do may mắn vậy xin Chúa cho con biết chia sẻ với anh em.


  • Xin cho mọi thành phần trong gia đình con biết nhận thức được trách nhiệm của mình và thực hành trách nhiệm của mình, chồng biết bổn phận của chồng, vợ biết bổn phận của vợ, và các con cũng thế, với tình thương yêu lẫn nhau.

Hướng về Chúa:

  • Ăn-năn tội: Lạy chúa con thành thật ăn năn tội lỗi vì con đã (vừa) xúc phạm đến Chúa là Đấng đã thương con vô cùng và đã chết vì con. Xin cho con thêm sức mạnh để chừa bỏ tội lỗi của con để con không bao giờ làm Chúa đau phiền nữa.


  • Chịu Lể Thiêng-liêng: Lạy chúa, con tin thật Chúa ngự trong Thánh-thể, con ước ao được rước Chúa một cách Thiêng liêng, xin Chúa đến với con và ở lại trong lòng con để con được thờ lạy Chúa và yêu Chúa.


3 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page