Nhân đọc mấy bài về hội thảo Thánh nhạc.
Nhân đọc mấy bài về Thánh nhạc trong mùa Hội-thảo Thánh nhạc vừa qua. Các bài vở rất chi tiết và rất chuyên biệt, cao sâu…
Nhưng tôi cũng xin góp thêm vài ý kiến để đề tài này thêm tính đại chúng và để các ca nhạc sỹ nhận ra tầm quan trọng hơn của vấn đề.
Ngoài ra tôi cũng xin góp ý kiến thêm vào vài lĩnh vực khác nhưng cũng liên hệ đến Phụng vụ, kinh lễ, ví dụ như: vai trò ca viên; các nhân viên chụp hình hay âm-thanh; nhân viên trang điểm cho Chủ tế, đồng tế…
1. Về nhạc sĩ, nội dung lời ca trong các bài thánh ca: Từ ngày có covet-19, chúng tôi mới dự lễ tiếng Việt và mới có dịp nghe các bài hát bằng tiếng Việt. Tôi nhận thấy rằng một số bài hát, các từ ngữ, tư tưởng thiếu phần Triết-Thần và không có chiều sâu về suy niệm. Nhiều bổ túc từ, tính từ, chẳng những không thêm được Ý tứ gì mà có khi làm cho cả câu thành nhạt nhẽo hoặc vô nghĩa. Nhiều chữ được coi là lấp vào cho đầy chỗ trống.
Nói tóm lại là về văn chương cần phải sửa chữa thêm.
Theo ý tôi thì có lẽ các nhạc sĩ này sống ở nước ngoài nên thiếu hiểu biết về văn chương Việt Nam. Và như vậy thì nên khuyên họ hãy nhờ thêm người cộng tác chang?.
2. Ca viên: Khi một ca viên hát solo, trình bày bài hát trong khung cảnh thờ phượng, kinh lễ mà đối tượng của bài hát là Chúa hoặc Mẹ thì nên hướng mặt về Chúa hoặc Mẹ với dáng điệu trang nghiêm, không nên nhìn vào ông kính (tức là khán giả) và nhất là không nên mỉm cười với khán giả (ông kính) vì như vậy là đặt sai đối tượng.
Về y phục: ca viên, hát solo nên mặc y phục kín đáo (xin nói nhỏ: tôi đã thấy có nữ tu mặc y phục như người phần đời và không đủ kín đáo).
Về giọng ca: có ca viên đã cố kéo dài giọng ở các cuối câu để làm cho giọng ngân rung nhưng việc cố gắng quá đáng đa trở thành khó nghe.
3. Nhân viên chụp hình, quay phim: những nhân viên này nên hiểu rằng mình không phải là thành phần của lễ nghi phụng vụ và sự di chuyển của mình phải thật kín đáo và khép nép. Nhiều người chạy đi chạy lại trước mặt bàn thờ hay sát với bàn thờ một cách ngang nhiên mà không biết là thất lễ.
4. Nhân viên trang điểm: Việc trang điểm quá dáng sẽ làm mất vẻ trang nghiêm nơi vẻ mặt của các Chủ tế, đồng tế. Nhân viên trang điểm nên học hỏi thêm để xử trí cho vừa phải.
Thực ra thì ở trong các nghi lễ tôn giáo thì việc trang điểm không phải là quan trọng.
5. Ngôn từ quá cũ trong kinh kệ: Trong mùa dịch covid này có kinh “Chịu lễ thiêng liêng” rất là thông dụng, trong kinh này tôi xin đề nghị cho sửa đổi vài chữ, vài câu quá cũ như “Chúa con” (do nghĩa chữ “mon Dieu?) thành một chữ Chúa mà thôi và các câu “con xin giữ chặt Chúa” và “con xin ẩm lấy Chúa”... Có vài nơi đã thay đổi rồi…
Vị trí và ý nghĩa của kinh “chịu lễ thiêng liêng” trong lễ trực tuyến rất quan trọng và ý nghĩa, vì vậy nên chải chuốt văn tự lại chang?
-------------------------------------------------
Tôi cũng xin mượn trang này để nói lên tâm tình biết ơn các nhà thờ đã có công lao lập ra Thánh lễ trực tuyến từ nhiều tháng qua. Tôi tin rằng hàng triệu người ở trên thế giới này cũng có chung tâm tình biết ơn như gia đình chúng tôi. Đặc biệt cảm ơn các cha ở nhà thờ Tân-phước và các anh chị em đã phục vụ để có các Thánh lễ mỗi ngày.
Cũng xin cảm ơn các đài TV, quý đài đã hy sinh rất nhiều thì giờ quý báu cho chúng tôi.
Trên đây là vài ý kiến của tôi với thiện ý đóng góp vào sự trang nghiệm của khung cảnh kinh lễ trong Phụng vụ. Hy vọng không gây đụng chạm.
Nguyễn Thất-Khê