top of page

Lộng giả thành chân.

Lộng giả thành chân. Trên chuyến bay, tôi được cô tiếp đãi viên đến chào hỏi. Cô trẻ, đẹp và rất lịch sự. Cái điểm đặc biệt là dầu tôi khó tính đòi hỏi nhiều, cô ta vẫn nhỏ nhẹ trả lời, không hề tỏ ra bất bình. Tôi nghĩ, sự lễ độ của cô ta không phải là lễ độ thứ thiệt mà chỉ vì nghề nghiệp. Rồi tôi lại nghĩ nếu trong đời tư ở nhà mà cô đối xử với ông chồng cô tử tế thật tình như vậy thì đức ông chồng này quả là hạnh phúc quá tải..

Cũng cùng một cách cư xử: lịch sử, nhã nhận với khách hàng mà sao cô không áp dụng được với người chồng yêu quý của mình cũng bằng đó câu nhẹ nhàng ngọt ngào? Nếu không thể đối xử thực tình thì cứ thử giả dối tí ti đi cũng đẹp chứ sao! Lộng giá thành chân mà.

Tôi lại nghĩ miên man đến bao nhiêu trường hợp khác: Các ông bà lớn trong xã hội như Bác sĩ, Luật sư, khi tiếp khách hàng thì rất ư là nhã nhặn, chiều khách cười toe toét, miễn sao móc được hầu bao của khách hàng thì thôi; hoặc như mấy ông bà ứng cử này nọ, họ xuất hiện trong mùa bầu cử, xum se: Xin các ông bà bầu cho con để con được phục vụ các ông các bà chứ không thì con chết mất. Nhưng ta đừng tưởng bở mà làm phiền họ thì bỏ mẹ đấy.

Ta cũng thấy trong mùa lễ tết, thiên hạ từ cá nhân cho đến tổ chức này kia thi nhau làm việc thiện, phát quà bánh để rồi quay phim chiếu lại tưng bừng kể công, nhưng trong đời thường thì không làm gì cả.

Tôi nghĩ đơn giản thế này: nếu người ta có thể đóng kịch được để làm vừa lòng nhau vì nghề nghiệp thì ta cũng có thể dùng tài diễn kịch để đối xử thật tình với nhau đôi lúc có được không. Lộng giả thành chân mà.

Nguyễn Thất-Khê


1 view0 comments
bottom of page