Chuyện ĐGH Benedict XVI và những chỉ trích vội vàng.
Trong thời gian qua, có rất nhiều bài nói về ĐGH Benedict 16. Trong số đó, có ít bài phê bình chỉ trích Ngài. Tuy chỉ là một số ít bài, nhưng chúng tôi muốn nói với số người phê bình chỉ trích này, nhất là các bạn trẻ là những lớp ngang tuổi với các con cháu của chúng tôi.
Chúng tôi muốn chia sẻ ít trải nghiệm trong cuộc sống của chúng tôi khi ở tuổi các bạn như sau:
Khi mình bàn luận phê phán một sự việc gì, thì ta nên tự nhắc nhở mình rằng, mình vẫn có thể sai sót, không nên có thái độ tranh thắng. Tập can đảm nhìn ra lỗi lầm của mình, đó là thỉnh thoảng nhìn lại quá khứ để nhận ra là trước đây mình đã sai trái và nếu được làm lại thì mình cũng sẽ khôn khéo hơn.
Khi phê phán một vấn đề, ta nên hiểu rằng vấn đề có thể có chiều kích sâu rộng hay không-gian gần xa, hoặc có liên hệ đến lịch sử vậy nếu mình chỉ nhìn ở chiều kích trước mắt thì rất dể thiếu sót.
Ví dụ khi phê phán ĐGH là yếu kém trong việc xử sự về những vụ bê bối trong nạn ấu dâm. Ta phải nhìn toàn thể vấn đề có nguồn gốc ngấm ngầm từ nửa thế kỷ trước, tới thời ĐGH Gioan Phaolô II thì bắt đầu bùng nổ và đến thời ĐGH Benedict 16 thi Ngài phải hứng chịu sự bùng nổ lớn, hậu quả của một thời gian dài âm ỉ từ lâu. Ta cũng phải xét đến một vài yếu tố phụ đã làm tăng độ khủng hoảng, đó là những hoạt động đổ dầu vào lửa của một số cơ sở truyền thông đã thổi phòng để trục lợi cũng như yếu tố tiền bạc đền bù lớn lao cho nạn nhân, cũng có thể là yếu tố thêm vào.
Ngoài ra có một lý do thuộc lãnh vực thiêng liêng, đó là các bề trên không thể công khai hóa lỗi lầm của cấp dưới trong trường hợp tội nhân chưa bị xã hội biết và hối nhân đã hối lỗi trong tòa giải tội. Đây là trường hợp rất khó xử cho các bề trên dù có muốn che đậy hay không. Vì vậy nếu chỉ nhìn qua vài câu nói hay hành động của Đức cô/ Giáo-hoàng mà vội phê phán thì có thể sai.
Trong cuộc sống hằng ngày, khi giao tiếp với mọi người thi những tin tức về chính trị và kinh tế thường là đề tài ta hay nói đến, nhưng những đề tài này lại thường hay gây tranh luận. Ví dụ như: Mới đây khi chính phủ Mỹ đưa ra chính sách giúp các gia đình nghèo khó có thêm trợ cấp để gửi con vào nhà trẻ hoặc một chính sách khác của chính phủ là đòi hỏi các nhà sản xuất thuốc phải hạ giá thuốc cho các bệnh nan y, thì một số người phê phán rằng đây là chính sách của xã hội chủ nghĩa! Vậy thì nếu các nước xã hội chủ nghĩa đều giúp người nghèo như vậy là tốt chứ sao.
Ai cũng có quyền phê phán nhưng nên giữ thái độ vừa phải, ôn hòa. Vừa nói và phải vừa biết nghe. Trong anh em chúng tôi, nhiều người rất lịch sự, khi biết có một người muốn nói thì mình liền nhuờng lời để nghe và chúng tôi tập biết nghe để học hỏi lẫn nhau.
Đến đây chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một lãnh vực thực tế hơn, đó là đời sống đạo:
Chúng tôi cũng đã trải qua quãng đời thanh niên như các bạn, trải qua năm tháng sống đạo thăng trầm, hăng say tranh luận và tranh thắng v.v. Và phần nhiều những cuộc tranh luận đều có chung một yếu tố là không đủ căn bản vững chắc về giáo lý, giáo luật...
Nhiều người công giáo chúng ta chỉ được học giáo lý căn bản khi còn nhỏ là xưng tội lần đầu và sau đó là khi lãnh phép thêm sức. Sau đó nếu có hiểu biết thêm là do thiện ý. Nhiều người nhận mình là đạo gốc và đã biết hết mọi thứ...
Một số bạn trẻ, khi có cấp bậc đại học thì tự cho mình là có đủ tầm vóc để phê phán về đạo giáo mà họ không hiểu rằng đạo giáo cũng là một môn học có cấp độ cao thấp kể cả cử nhân và Tiến sĩ, nghĩa là cũng phải học thì mới biết. Cũng như một kỹ sư kỹ thuật không thể nhảy sang y học để bình luận phê phán. Vậy muốn phê phán đạo giáo, chúng ta phải học hỏi để có một trình độ nào đó trước.
Vì đạo giáo có liên hệ đến lĩnh vực siêu nhiên, cho nên học hỏi về đạo giáo đòi hỏi phải có tấm lòng cởi mở, thiện chí đón nhận chân lý. Học hỏi giáo lý một tôn giáo không chỉ là đọc qua loa một vài cuốn sách rời rạc nào đó mà nên theo một chuơng trình có bài bản.
Kết luận: Trong câu chuyện hàng ngày, ta hay bàn đến những chuyện thời sự đang xảy ra mà nhiều chuyện đều dính dáng đến kinh tế, chính trị và có khi chuyện tôn giáo cũng quyện vào thời sự. Nhiều người cho rằng nên tránh nói chuyện về tôn giáo và chính trị, nhưng thật khó, vì còn chuyện gì để nói nữa. Vì vậy ta vẫn cứ nên nói chuyện như thường nhưng tập kiềm chế tranh luận và tự nhắc nhở rằng mình không phải là các nhà chuyên nghiệp về chính trị kinh tế và nhất là khi chúng liên hệ đến môn lịch sử mà nhiều người không rành rẻ lịch sử, cũng như nhắc nhở mình rằng mình tự kiểm chế để nói chuyện cho vui mà thôi. Chúng tôi cũng học được thói quen của người Mỹ là dù họ tranh luận hăng say nhưng đồng thời họ cũng biết lắng nghe người khác, khi một người tỏ ý muốn nói, thi họ thường hay nhường lời ngay…
Kế đến là khi tranh luận, ta nên tránh những từ ngữ thiếu văn hóa như gọi những người già cả hoặc có chức vụ là “thằng cha này con mẹ kia” chẳng hạn, hoặc các thứ văn chương “mất gà”, nói móc nói ngoéo…
Khi phê phán, tạ nên chú ý đến phần luận lý, bằng cớ, có thể chứng minh cụ thể, v.v. Tránh các vu cáo mà không bằng chứng, nhất là khi xúc phạm đến tôn giáo hay một vị tu hành nào mà được moi người kính trọng mà dù kẻ thù cũng phải nhẹ nhàng lịch sự.
Khi tranh luận mà cố ý tranh thẳng thì người ta hay ngụy biện để moi móc những điểm yếu của đối phương và cố tình không nói đến những điểm tốt của họ, ngược lại ta lại hay thổi phồng những điểm tốt của phe ta đồng thời che đậy những điểm yếu của mình. Dùng những tiểu xảo này thì dù có thắng ta cũng nên tự thẹn vì đã đánh mất công tâm, chính trực.
______________________________________________
Phụ lục: Những tiến bộ nhanh chóng về khoa học và kỹ thuật đã đem đến cho nhân loại những hiểu biết mới vể vũ trụ và con người và cùng lúc, cũng gây ra những tư duy mới về nhiều lĩnh vực và sinh hoạt truyền thống cần phải thay đổi hoặc nhiều hệ thống sinh hoạt trong xã hội bị chao đảo, ảnh hưởng nhanh đến giới trẻ.
Chúng tôi muốn kể vắn tắt một số vấn nạn trong cuộc sống hổn loạn của tuổi trẻ ngày nay, để xin các nhà giáo dục trong xã hội và giáo hội hãy buớc ra ngoài khuôn viên nhà thờ, và xoay huớng nhin vào cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội và để tìm hiểu và tìm phương cách giúp đở hơn là chỉ lên án.
Ngày nay nhiều người đã chú trọng đến giới trẻ, bắt đầu từ lớp trẻ nhất gọi là thế hệ Z, rồi đến lớp tuổi lớn hơn. Chúng tôi xin tóm tắt vài nét chính, mà ta vẫn nghe hàng ngày, như sau:
a. Về tinh thần và đạo đức: Nhìn tổng quát thì đạo đức suy giảm vì nhà trường gần như bỏ quên môn này và các tôn giáo cũng không bắt kịp những đổi mới để cập nhật. Phần lớn là vẫn giữ những phương thức giáo dục cổ truyền. Nội bộ trong nhiều tôn giáo cũng đã có phái cấp tiến đòi đổi mới.
b. Về tâm lý thi giới trẻ gặp những khủng hoảng như tự kỉ, bất mãn, có thể vì sống trong nhiều bất công. Con người dễ nổi nóng bất bình, dẫn đến bắn giết một cách dễ dàng. một số khác thì đầu hàng hoặc trở thành tự kỉ có thể tự tử, số khác thì không muốn lập gia đình không muốn có con…
c. Nhiều tệ nạn khác như đồng tính, hay chuyển giới tính mà trước tới nay xã hội vẫn gọi là tội lỗi và ghê tởm nhưng ngày nay nhiều người đang suy xét lại, bởi vì nếu các đương sự cũng coi là ghê tởm và tội lỗi thì họ đã không làm như vậy. Từ trong thâm tâm, họ coi là tự nhiên không có gì là xấu xa.
Còn về những người chuyển giới thi Y học đã chấp nhận rằng có một số người có ngoại hình là một giới nhưng trong nội tâm hay nội tạng họ có thể thuộc giới khác.
Còn về vấn nạn ấu dâm thì sao? Tại sao lại chỉ là đồng nam và cùng giới tính. Phải chăng đây là một thứ tội “khác thường” và có thể là do tâm lý và thể lý trục trặc?
Trên đây, chúng tôi chỉ kể lại vài chuyện, mà không ai còn lạ gì, để gợi nên ý kiến rằng những tiêu chuẩn mà ta thường dùng để lên án và kết tội vẫn hoàn toàn đúng chăng.
Trở lại vấn đề làm sao đối thoại và giáo dục giới trẻ. Chúng tôi chỉ là vài người già, nhìn đến đám đông con cháu và bạn bè của chúng và lưu tâm đến giới trẻ. Chúng tôi không có khả năng gì ngoài việc viết ra đây vài ý kiến sau đây:
Mới đây có một website tổ chức một lớp học có tên là “Làm sao sống hạnh phúc” do một nữ chuyên gia mở ra, và chỉ trong một thời gian ngắn đã được hàng ngàn người ghi tên theo học (mất tiền); rồi chúng tôi cũng thấy một vài cơ sở Phật giáo cũng mở lớp Phật học, có bài bản cấp bậc và chứng chỉ. Một điều đáng suy nghĩ là không phải những học viên đều là Phật tử.
Ngày nay nhiều người ghi tên học các môn khác nhau chỉ vì ham học hỏi và có khi chỉ vì tò mò. Có những lớp thần học Công-giáo hoặc Tin-lành mà sinh viên không phải là Kitô-hữu.
Từ hai ví dụ trên đây, chúng tôi lại một lần nữa mạnh dạn đề nghị đến các đấng Bề Trên rằng:
1. Xin hãy mở các Website, có tính cách chuyên biệt, chuyên đề, cho giới trẻ và đại chúng, không phân biệt tôn giáo, để đối thoại về các vấn đề giáo lý, luân lý và cả đạo làm người, đạo vợ chồng… Website này có nội dung chuyên biệt, không pha trộn với các lãnh vực khác.
2. Và một loại Website khác để học về đạo công giáo, có lớp lang và cấp chứng chỉ cho bất cứ ai muốn học đạo. Chúng tôi biết rằng đây là một bước đầu khó khăn nhưng chúng ta cần cân nhắc rằng, trong tương lai không xa, cuộc sống của mọi tầng lớp đều sẽ phải chấp nhận sống với các mạng xã hội kể cả việc giảng đạo Chúa cũng phải đem ra khỏi nhà thờ.
(Riêng về đề nghị mở hai loại website trên đây, chúng tôi tha thiết xin được nghe ý kiến của quý độc giả và đóng góp từ bạn bè quý vị, để hy vọng gây được thêm tiếng nói từ nhiều người. Cũng xin các chuyên viên về website giúp ý.
Xin góp ý phản hồi ớ cuối bài này hoặc gửi email: Quinn.Nuyen@cbp-usa.net. Ghi đề muc: Góp ý website Công-giáo.
Xin rất cảm ơn).
Ngày nay mọi hoạt động xã hội đều ở trên mạng vì đó là phương tiện của giới trẻ.
Chúng ta có nhiều trang web công giáo nhưng từ hình thức đến nội dung đều chú trọng vào giới độc giả ngoan đạo vậy cần phải thay đổi sao cho hấp dẫn đại chúng, và cần được hỗ trợ của giáo hội địa phương.
Tại đại hội của Liên Hội Đồng Giám Muc A-Châu, ĐHY Charle Bo (và nhiều diển giả khác) nói rằng: Giới trẻ ở trên Internet và chúng ta phải loan báo Tin mừng cho giới trẻ ở nơi họ ở.
Cầu cho mọi tầng lớp dân Chúa thức tỉnh và đem tài năng để phục vụ và cải tạo giới trẻ.
Nguyễn Thất-khê.
Comments