Cảm nghĩ về kỉ niệm 100 năm Lạngsơn, ThấtKhê
NHỚ ƠN CÁC ĐẤNG BẬC VÀ CHA ÔNG ĐÃ HY SINH GẦY DỰNG ĐỂ CHÚNG CON CÓ NGÀY HÔM NAY
Lời thanh minh: Những dòng dưới đây chỉ là cảm nghĩ và hiểu biết riêng của chúng tôi, nên có thể có những thiếu sót hoặc sai lầm. Xin đừng coi đây là những sự kiện lịch sử; xin thanh minh.
Viết những dòng này, tôi muốn gửi vài cảm nghĩ của tôi đến các bạn trẻ rằng: Những gi các cháu có được ngày hôm nay là do công lao của các bậc cha ông đã hy sinh suốt một trăm năm nay. Công đức của các Ngài gồm cả nước mắt, mồ hôi và máu, đã đổ ra cho thế hệ chúng ta. Tôi mong các cháu quí trọng và bảo tồn cũng như phát huy những tài sản quí giá này.
Tôi sẽ nói nhiều về Thất Khê vì đây là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Những gì tôi có được hôm nay là nhờ được dạy dỗ từ Xóm-đạo Thất Khê này. Tôi không chú trọng đến văn chương nhưng thành tâm kể lể những chuyện ân tình về các bậc Cha ông để làm gương sáng cho chính thế hệ tôi và các cháu.
_________________________________________
KỶ NIỆM 100 NĂM TRUYỀN GIÁO LẠNG SƠN: Một năm trước dây, khi được Dì Tổng Minh cho biết rằng Địa phận Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 100 năm, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là dửng dưng, không phải tôi dửng dưng với Địa phận mà vì khi về già thì con người thường dửng dưng với rất nhiều thứ bên ngoài. Nhưng chỉ một thoáng dửng dưng thôi vì sau đó ít phút thì tôi rơi vào tâm trạng bàng hoàng khi tâm trí gợi lên những hình ảnh và kỷ niệm xa xưa. Bao nhiêu các Đấng các bậc, cha ông và bao lớp người đã hy sinh gian khổ để chúng tôi có ngày hôm nay.
Một câu trong kinh Cám Ơn mà tối vẫn thấm thía là: “Và cho con biết được Đạo Thánh Đức Chúa Trời.” Nhờ đâu mà mình được làm “con nhà có đạo” để ngày nay ở tuổi già gần đất xa trời này mình còn có lẽ sống. Được biết Đạo, biết Chúa là một ơn to lớn.
Lạy Chúa, chúng con không biết làm sao để cảm tạ Chúa cho đủ. Một trăm năm trước, Chúa đã dắt chúng con đến Lạng Sơn và rồi suốt 100 năm, trải qua bao nhiêu thăng trầm của Địa Phận, bao lần chúng con đã quên Chúa hoặc xúc phạm đến Chúa mà Chúa vẫn ở với chúng con, dắt dìu từng xứ đạo, từng con chiên. Trong mọi lúc gian truân cơ cực, Chúa vẫn âm thầm đi cạnh chúng con, nâng đỡ chúng con, hoặc thiêng liêng vô hình, hoặc qua những người bên cạnh mà chúng con dường như không biết gì, thực là vô tình và vô ơn.
LỆNH CHÚA TRUYỀN: Trước khi về trời, Chúa truyền lệnh cho các tông đồ rằng: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng đến khắp muôn dân... Chúng con tưởng tượng chắc lúc đó các Tông Đồ ngơ ngác quay sang xầm xì với nhau rằng chắc Thầy mình nói đùa chắc. Tụi mình văn dốt vũ dát, tiền bạc không có, lấy phương tiện gì và làm cách nào mà đi cùng khắp thế giới? Vì thế nên các Tông Đồ cũng bỏ quên luôn lệnh truyền, riêng thánh Phao Lô còn đi loanh quanh được vài xứ sở lân cận...Nhưng,
CÁC CHA ĐAMINH: Nhưng rồi thấm thoắt 2 ngàn năm sau, tôi lại tưởng tượng một buổi sáng, tại dòng Đa Minh bên Pháp, cha Bề Trên tập họp các cha trong tu viện lại và sau khi mọi người an toạ thì cha Bề Trên hắng giọng nói rằng ngài muốn kêu gọi một số Cha tình nguyện đi truyền giáo ở Lạng Sơn...một vài Cha ngơ ngác hỏi: Lạng Sơn ở đâu? – Cha Bề Trên chỉ lên một chấm đen ở cực bắc Việt Nam trên bản đồ và giải thích thêm về địa dư hiểm trở, rừng núi và dân số là người Thổ, Mường, Mán v.v...và v.v...Thế là mấy ông cha già xì xầm với nhau rằng cha Bề Trên mình nói đùa chắc. Nhưng đột nhiên có mấy cha trẻ hăng tiết vịt giơ tay xin tình nguyện, sẵn lòng từ bỏ cuộc sống ấm êm tại nhà dòng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó để đến Lạng Sơn-Cao Bằng dể khai khẩn Nước Chúa.
Liên tục sau đó có Đức Cha già Minh, Đức Cha Mỹ, cha Lý, Cha Chiểu, cha Hiền, v.v...(Các cha Tây đều lấy tên theo các thánh Tử Đạo Việt Nam). Đó là các cha mà thời sau này anh em chúng tôi được gần gũi nhiều.
Chúng tôi được biết cũng như được nghe về những công đức và sự hy sinh của các Ngài trong những năm bôn ba truyền giáo tại các làng mạc trong tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Các ngài đã sống rất can đảm, nhất là trong các thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là trong chiến tranh Nhật Pháp. Có Cha phải trốn tránh ở trong các làng hẻo lánh, chịu đói rét, bệnh tật...có khi bị bắt rồi bị trục xuất nhưng rồi các Ngài lại tìm đường quay trở lại bằng những phương tiện đầy nguy hiểm.
Để truyền giáo, các Ngài phải học tiếng Việt và việc phát âm đối với nhiều Cha thì không phải là dễ. Người nghe nhiều khi phải đoán mò mà có khi hiểu sai. Như trường hợp Đức Cha già Minh, mỗi ngày lễ hay tết, chúng tôi lên chúc mừng ngài thì ngài luôn kết thúc một câu rằng: “Thầy già hơn chúng con” (Thầy là Đức Thầy cũng là Đức Cha). Chúng tôi vẫn thắc mắc là sao Đức Cha cần phải nói là Thầy già hơn chúng con ai không biết điều đó. Sau này chúng tôi mới hiểu ra rằng: “Thầy GIẢ ƠN chúng con.” Từ ngữ GIẢ ƠN là tiếng cổ có nghĩa là cám ơn. Hoặc một chuyện khác như là cha Hiền đứng giữa ngã tư chợ Thất Khê, với giọng trọ trẹ tiếng Việt, Ngài rao giảng Lời Chúa cho thổ dân mà có lẽ chẳng ai hiểu Ngài nói gì.
Chỉ nhỉn riêng về vấn đề học tiếng Việt, thì những cố gắng của các Ngài cũng đã rất đáng khâm phục.
Kể vài chuyện nho nhỏ trên đây, tôi muốn nói lên sự kỳ diệu trong công cuộc truyền giáo. Phải chăng Chúa Thánh Thần, giống như trong ngày lễ Hiện xuống, đã tác động để mọi người có thể hiểu được những lời rao giảng của các Ngài để mà theo Đạo Chúa.
QUÊ HƯƠNG THẤT KHÊ: Về phần chúng tôi sống ở Thất Khê, một xứ đạo nhỏ, rất nghèo, nhiều nhà phải làm việc vất vả lắm mới có đủ ăn. Ít người có khả năng cho con đi học. Vì vậy, Cha Xứ thường mở lớp dậy học riêng ở nhà xứ. Nhiều khi vì không đủ học trò nên Cha phải dồn hai ba trình độ khác nhau trong cùng một lớp. Nghĩa là khi dạy nhiều trình độ, cha phải vất vả gấp nhiều lần. Chúng tôi nhớ ơn các cha: Cha Chiểu, cha Quyền, cha Đề, cha Nhường và thời cuối là Đức Cha Jacq, cha Hiền, cha Lý. Những gì chúng tôi có được ngày nay là đều bắt nguồn từ công lao của các Cha dạy bảo.
Ngoài sự dạy dỗ về chữ nghĩa, các Ngài cũng làm gương cho chúng tôi về đạo đức. Cha Đề với cuộc sống rất mực đơn giản, nhiều lần cha thực sự chia sẻ phần ăn riêng của chính mình cho các người ăn xin; cha Hiền can đảm tỏ ý sẵn sàng liều chết để đi theo con chiên khi quân đội Pháp tính rút khỏi Thất Khê; Đức Cha Jacq với gương kiên nhẫn tuyệt vời, không quản ngại thức khuya dậy sớm để dạy dỗ chúng tôi; Cha Chính Ngữ (Đức Cha Ngữ), con người mảnh khảnh nhưng hăng say, thường xuyên đạp xe đạp từ Lạng Sơn đến Thất Khê cũng như đi khắp các xứ xa xôi, xông xáo mọi nơi để nâng đỡ linh hồn giáo dân và giữ gìn Địa phận. Xin mở ngoặc ở đây về Đức Cha Ngữ, khi ngài qua đời thì chúng tôi được đọc ít bài viết về tiểu sử và công trạng của ngài nhưng hình như không ai thấy viết về quãng thời gian 1950-1955 khi ngài làm Cha Chính Địa Phận, chúng tôi nghĩ đây là thời gian tuy âm thầm nhưng sáng chói nhất của Ngài).
Một điều khác rất lý thú là quê hương Thất Khê của chúng tôi được Chúa chọn để đặt Toà Giám Mục “chui” cho mấy đời Giám Mục: hai Đức Cha người Pháp sống ở đây 4,5 năm rồi sau đó đến Đức Cha Dụ. Ngài được phong Giám Mục “chui” và sau khi bị lộ thì ngài được “mời” cư ngụ dài hạn ở “Toà chui” này. Đến thời Đức Tổng Kiệt thì ngài đặt Thất Khê như trung điểm của những cuộc hội họp cho các linh mục, tu sĩ tĩnh tâm, cấm phòng v.v.. phải chăng vô tình từ ngày đó, Thất Khê đã được hoán chuyển sang tình trạng ‘hết chui”!
NHỚ ƠN CÁC ÂN NHÂN CỦA CHÚNG TÔI TẠI THẤT KHÊ: Chúng tôi cũng nhớ ơn các bậc cha ông ở Thất Khê đã thương yêu chúng tôi từ lúc nhỏ. Ông cụ tôi (Nguyễn văn Phê) đã ghi lại trong nhật ký về những ngày mà bà cụ Cố, thân sinh của ông cụ tôi, đem gia đình lên Thất Khê (khoảng năm 1925) được sự giúp đỡ của Cha Xứ và nhiều giáo dân nhất là bà Long, bà đã cho gia đình ông cụ tôi ở nhờ nhà bà và được bà chia sẻ cơm áo cho.
Đến đời chúng tôi, chúng tôi vẫn ghi nhớ nhiều kỷ niệm của những năm còn nhỏ, tuy vất vả thiếu thốn nhưng rất thảnh thơi, êm đềm, không đua chen, không mơ mộng. Ban ngày lao động vất vả nhưng sớm tối vẫn đi lễ, nhà thờ sốt sắng.
CÁC ĐẤNG THÁNH CỦA ĐỊA PHẬN: Có lẽ vì ở địa đầu xa xôi và hẻo lánh nên không được ai để ý đến. Vì vậy nên khó ai biết hết được những chuyện và những con người, đáng được tôn kính, đã làm trên các chặng đường mục vụ ở khắp hang cùng ngõ hẻm trong Địa Phận, nhất là trong thời gian loạn lạc từ 1945-1950. Cụ thể là các linh mục như cha chính Hào, cha Điền, cha Đề v.v...và chắc chắn là còn có số giáo hữu vô danh khác. Các Ngài đã sống rất can đảm, chấp nhận nhiều đau khổ, khắt khe, nghiệt ngã, và rồi cuối cùng các Ngài chết ở đâu, chết cách nào không ai biết. Công đức của các Ngài có thể là tất cả, gồm nước mắt, mồ hôi và máu, đã đổ ra để bảo vệ đạo Chúa.
Hoặc như câu chuyện Đức Cha già Minh, thay vì trở về Pháp để vui hưởng tuổi già, Ngài vẫn tình nguyện ở lại Lạng Sơn. Trong những giờ phút cuối đời, trên giường bệnh, trong hoàn cảnh thiếu vắng mọi người thân yêu, (các linh mục, tu sĩ, giáo dân tản mác hết) Ngài đã thốt lên rằng “Thầy cảm thấy cô đơn quá”. Giống như lúc gần tắt thở Chùa cũng thốt lên rằng: “Sao Cha bỏ con.” Đó là những vị thánh mà không biết bao giờ mới được phong thánh.
ĐỨC CHA VINH SƠN PHẠM VĂN DỤ: Thế rồi tình hình đất nước thay đổi. Địa Phận Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn hơn bao nhiêu địa phận khác. Vì ở địa đầu xa xôi, nghèo khóvề vật chất cũng như tinh thần, thiếu linh mục nên phần mục vụ thiếu thốn mọi nơi. Các xứ đạo suy sụp, giáo dân phân tán. Địa phận Lạng Sơn chỉ còn một mình Đức Cha Vinh Sơn Dụ (sau này có thầy Quỳnh được làm linh mục).
Đức Cha Dụ: một Đức Cha cô đơn nhất nước, lẻ loi nhất nước; một con người dáng dấp mảnh mai, ăn mặc dản dị, ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Từ những năm làm Linh mục, dạy ở Tiểu Chủng viện Giuse đến khi làm Giám Mục, Ngài không hề thay đổi. Một mình Ngài với chiếc xe đạp cọc cạch đi “làm phúc” cùng khắp mọi xứ xa xôi. Một lần Ngài đi lên miệt Cao Bằng để làm mục vụ, gặp trời mưa bão, đường trơn phải vừa đạp xe vừa dắt xe nên đến khi trời tối phải nghỉ lại một nhà người quen ở dọc đường. Cha con bụng đói nhưng biết rằng chủ nhà cũng nghèo nên không dám xin ăn, nhưng rồi gia chủ cũng biết và nấu được một tô mì cho cha con chia nhau húp. Những câu chuyện hy sinh của Ngài thì nhiều lắm kể cả những chuyện đau lòng, từ bên ngoài cũng như từ bên trong nội bộ, mà Ngài phải gánh chịu cũng không ít. Đáng kể nhất là khi Ngài lâm bệnh nặng, không còn đi đứng được nhưng mỗi sáng sớm Ngài vẫn đi lê lết ra nhà nguyện (trong khuôn viên tiểu chủng viện cũ) để dâng thánh lễ. Nhìn cảnh tượng một Giám Mục phải đứng run rẩy dựa ngực vào bàn thờ, bên cạnh có cậu giúp lễ một tay đỡ Đức Cha, tay kia cầm khăn để thỉnh thoảng lau nước miếng cho Ngài (mỗi khi Ngài thều thào đọc kinh lễ thì nước miếng lại chảy dầm dề xuống).
Tại sao ở tình trạng bệnh hoạn khốn khổ như thế mà Ngài vẫn cố gắng dâng lễ hằng ngày? Thưa, vì cả địa phận đau thương tan tác, thiếu thốn Tư Tế nên Ngài phải cố gắng dâng lễ hằng ngày để giữ “hương khói’ cho địa phận.
Trong những ngày tháng cuối đời, Ngài nằm trong bệnh viện Lạng Sơn, nằm chung một phòng chật chội với nhiều bệnh nhân khác, không phân biệt địa vị, sang hèn. Khó ai biết đây là một vị Giám Mục. Giúp đỡ Ngài trong thời gian này là một người cháu. Ngài qua đời trong lặng lẽ cũng như cuộc sống giản dị của Ngài.
DÒNG ĐAMINH LẠNG SƠN, XÓM MỚI: Từ sau thời kỳ giải phóng, nhà Dòng Đaminh Lạng Sơn Xóm Mới cũng đã yểm trợ Giáo Phận Lạng Sơn rất nhiều, âm thầm nhưng rất đắc lực. Một số các Dì tuy cao tuổi nhưng vẫn hăng say nhận nhiệm vụ đi tới mọi xứ xa xôi như Cao Bằng, Tà Lùng v.v...nhờ các ‘Bà Cha” này mà một số nhà thờ đã có Mình Thánh Chúa hằng ngày cũng như kinh kệ, giáo lý được sống dậy hơn.
CÁC TÂN GIÁM MỤC CỦA LẠNG SƠN: Thế rồi trong lúc không ai ngờ được, ơn Chúa Thánh Thần lại đổ xuống trên Địa Phận. Qua Đức Tổng Kiệt rồi đến Đức Cha Ngân, giáo phận cằn cỗi lại được tiếp tục khai phá và chăm bón và ngày nay đang vươn lên tươi mát. Chúng tôi nhớ lại hai năm trước tôi gặp cha Thể đến giải tội và xức dầu cho người em họ của tôi là chú Mai, ở Lạng Sơn, khi Cha chào ra về, cha nói: “Tôi xin phép về để còn thu xếp đi Bình gia thăm một gia đình” (tìm chiên lạc đàn?). Câu nói ngắn ngủi nhưng cảm động. Đến khi lên Thất Khê cũng lại nghe cha Tín nói: “Đức Cha đang bảo em đi Bắc Cạn (hay Bình Gia tôi không nhớ rõ) làm mục vụ. Tôi hỏi đi bằng gì – Cha nói đi bằng xe máy. Tôi buột miệng nói: Cảm phục, phục các Bố lắm lắm.
Đã có lúc chúng tôi nghĩ là Địa Phận Lạng Sơn không thể trỗi dậy được nhưng nay chỉ một thời gian ngắn mà nhiều nhà thờ mới được xây cất nguy nga cũng như nhiều nhà thờ cũ cũng đã được tu sửa lại đẹp đẽ. Số các linh mục ngày nay cũng gần bằng thời kỳ đông nhất là thời 1945.
Lạy Chúa, ôn lại những kỷ niệm và những biến cố của Địa Phận, chúng con cảm thấy bàng hoàng. Nhiều lúc trong đời, chúng con không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nhưng Chúa vẫn đi bên cạnh chúng con, dìu dắt chúng con đằng đẵng suốt 100 năm qua. Chúng con không biết cảm tạ Chúa sao cho xứng đáng.
LỜI KẾT: Những câu chuyện quí giá đáng nói về Địa Phận thì chắc chắn còn nhiều lắm nhưng vì chúng tôi rời bỏ Thất Khê khi còn nhỏ nên không biết nhiều. Chúng tôi chỉ được chứng kiên thêm trong thời gian trở lại thăm quê hương Thất Khê - Lạng Sơn từ năm 1994. Hai mươi năm qua, gần như hằng năm chúng tôi vẫn trở về Thất Khê để tìm lại những ngày sống thanh thản với họ hàng và bạn hữu. Riêng năm 2012, chúng tôi đã lên tới Hà Nội nhưng rồi phải chịu thua không còn đủ sức đi lên Thất Khê nữa. Tôi không còn mong có ngày về thăm quê hương nữa.
Thất Khê ơi, Lạng Sơn ơi, xin chào mi.
Nguyễn Văn Quynh (Thất Khê)