Có những loại Thánh-Bình-Dân.
(Đời sống đạo gương mẫu của anh hàng xóm tôi).
Ở tuổi già, người ta hay nhớ về dĩ vãng. Tôi thường ngồi lặng thinh để tìm chút vui cho lúc trống vắng.
Mấy bữa nay tội nhớ đến anh bạn của tôi hồi còn trẻ, đó là anh H. chúng tôi ở hai nhà đối diện nhau ở Xóm-mới, Gò-vấp. Chúng tôi thân nhau khi cùng hoạt động trong Hiệp-hội Thánh-mẫu.
Cuộc sống của anh H. thì rất bình thường trong mọi mặt, anh là người con cả trong gia đình, có hai anh em. Bố anh là một cựu trùm ở miền Bắc ngày xưa. Cả gia đình anh gồm hai Bố mẹ già rồi đến gia đình anh và gia đình người em trai của anh đều chung sống dưới một mái nhà, tất cả là ba thế hệ.
Điểm rất đáng chú ý là tất cả mọi người đều thương yêu nhau và thuận Hòa, kể cả hai chị em dâu và các con cái, không ai nghe được điều gì bất hòa.
Thoạt đầu gia đình anh H. làm nghề nấu rượu và nuôi heo. Ngày ngày, khi anh chị nấu rượu xong thì chị quay ra chăm sóc đàn heo, còn anh thì sắp xếp mấy hũ rượu lên xe đạp để rồi đạp xe đi bán rượu ở khắp lối xóm. Thời gian sau này khi nhiều người khám phá ra cách pha chế thêm hóa chất vào rượu làm tăng độ lượng rượu để kiếm nhiều lời hơn thì anh nhất định không chịu làm theo như vậy, anh viện lẽ ra là vô đạo đức v.v. và có lần chị vợ nói với tôi rằng anh ấy ngang lắm cơ, người ta làm đầy ra đấy mà có sao đâu.
Thời gian sau, vì không cạnh tranh nổi nên anh phải đạp xe đi nhiều nơi xa xôi ra nhiều vùng ngoại ô Sài-Gòn, có ngày đạp xe cả 100 cây số cho đến chiều hôm mới về đến nhà. Cho dù cuộc sống vất vả nhưng anh vẫn cố gắng về kịp để đến nhà thờ dự giờ kinh chiều. Nhiều khi anh ngủ gà ngủ gật trong lúc đọc kinh, vì thế bạn bè thường hay chọc ghẹo anh. Sau này khi hiểu anh hơn thì mọi người đều cảm phục.
Thế rồi, qua những tháng ngày đi bán rượu, đến thời chiến tranh bùng nổ, anh đã phải xin gia nhập vào cảnh-sát và may mắn thay anh được phân bổ về địa phương gần nhà, nhưng chẳng bao lâu sau, anh bị đổi đi xa và rồi chẳng bao lâu sau đó, anh lại bị bị đổi đi xa hơn đến vùng xôi đậu trên đường đi Đà Lạt, nơi mà ban ngày là của ta ban đêm là của địch. Tại sao vậy? Vì anh đã không chịu hợp tác với đồng bạn để ăn hối lộ và khi và khi đồng đội thấy anh phản đối thì sợ anh và phản phúc nên đã tìm cách loại anh ra, và cứ thế anh bị loại ra tới nơi nguy hiểm đến sống chết.
Gia đình vợ con mỗi khi nghe tin chiến sự gần nơi anh đóng đều lo âu sợ hãi và mỗi khi anh được về nhà nghỉ vài ngày, anh vẫn tỏ ra vui vẻ, không hối tiếc vẫn vững vàng phó thác. Nhiều người hàng xóm đều thương và khuyên anh: Thôi thì chấp nhận làm theo đồng đội đi vừa có lợi vừa không bị đầy đi xa nguy hiểm, nhưng rồi vẫn có người chê anh là khờ khạo hoặc đạo đức giả v.v.
Sau năm 1975, tôi rời xứ sở ra đi, không còn gặp lại anh nữa cho đến gần đây tôi mới biết là anh đã mất cách đây nhiều năm rồi. Bây giờ ngẫm nghĩ lại mọi chuyện tôi mới thấy thấm thía cảm phục anh bạn tôi. Anh thuộc giới bình dân, ít học ngay cả những đức tính tốt lành của anh cũng chẳng ai để ý.
Nhưng hôm nay tôi mới thấy con người Thánh của anh, trải qua bao thử thách trong nghèo khổ mà vẫn giữ vững được lòng đạo đức.
Vì không chịu làm ăn dối trá là pha hóa chất vào rượu và khi làm cảnh-sát anh không chịu ăn hối lộ mà bị đầy đi xa. Để giữ được lòng đạo đức nói trên mà anh đã phải chịu sống cảnh nghèo khổ mà rồi lại còn phải gánh thêm những lời chỉ trích dèm pha của mọi người chung quanh kể cả người vợ cũng hay phàn nàn, thế mà anh vẫn giữ được lòng bình an, thu thái với mọi người.
Phụ đề: Hoàn cảnh sống của anh H. ta có thể vẫn còn thấy giống như một số giới trẻ ở một vài nơi trong nhiều miền quê ngày nay. Nhưng lối sống đạo của anh H. thì vẫn là gương sáng cho mọi hoàn cảnh sống ở mọi nơi. Ta phải sống xứng đáng với bổn phận con người có đạo và tối thiểu là đạo làm người.
Anh H. đã chỉ được học ít giáo lý căn bản của thời xưa nhưng nhờ ông bà cha mẹ dạy dỗ những điều cốt lõi về đạo và những gương sáng của gia đình đã ảnh hưởng đến anh.
Ngày nay, sự dạy dỗ từ gia đình đang mai một dần, vậy làm sao đây: Ở thời nay, tuổi trẻ sống với xã hội và chịu ảnh hưởng nhiều hơn về nhiều mặt như văn hóa, kỹ thuật, kể cả luân lý và do đó sự liên hệ của ông bà cha mẹ bị giảm đi giữa thế hệ già trẻ. Vậy ta phải trông nhiều hơn đến Giáo-hội:
Vài chục năm nay, bắt đầu từ Công-đồng Vatican II, Giáo-hội đã có nhiều thay đổi, âm thầm nhưng đáng kể. Qua nhiều triều đại Giáo-hoàng nhất là đương kim Giáo-hoàng Francisco, ví dụ: Ngài nhận ra nhiều vấn nạn xã hội đáng suy nghĩ và nghiên cứu thêm để đáp ứng. Ví dụ: Ngày xưa nếu muốn hoá giải hôn phối thì phải lên tòa Giám-mục, nhưng vì giới trẻ ngày nay không ai áp dụng nữa nên ĐGH đã ban phép cho các cha giải tội được quyền giải quyết ngắn gọn hơn, Đây là một ví dụ chứng tỏ rằng khi luật lệ không còn ứng dụng nữa thì phải tìm cách cập nhật, và nhiều ví dụ khác nữa…
Mới đây trên YouTube, tôi nghe cha Nguyễn Khắc Hy trả lời cho một chị hỏi rằng: con muốn ngừa thai nhưng chồng con nói là trái luật giáo hội, xin cha cho ý kiến. Cha Hy đã trả lời rằng: Chị hãy tìm đến một linh mục để xin chỉ dẫn, vì vấn đề này không thể nói trước công chúng, tôi xin nhắc văn tắt rằng Giáo-hội không đặt ra những luật lệ để rồi con người ta không thể theo được...
Ngày nay cuộc sống gia đình không còn đơn giản như xưa, nhất là lĩnh vực cuộc sống tính dục đã được phơi bày công khai (không chỉ là mặt xấu tội lỗi) mà ta cần phải học hỏi để Để hiểu biết thêm về gia đình và các vấn đề liên hệ đến gia đình, kể cả liên hệ đến tâm sinh lý như đổi giới tính, đồng tính, ấu dâm v. v. hoặc giới trẻ không còn muốn lập gia đình hoặc không muốn có con v.v.
Mới đây ĐGH Francis đã nói rằng: Giáo-hội còn cần phải học hỏi nhiều thêm về gia đình và giới tính… Một số người không đồng ý với ĐGH. Riêng tôi thì rất cảm phục về nhận xét sâu sắc của ĐGH, chắc chắn Ngài đã suy nghiệm rất nhiều mới dám can đảm phát biểu như vậy.
Rất nhiều nhà giáo dục về gia đình, vạch ra nhiều đường lối rằng: Chồng phải thế này, vợ phải thế kia v.v. Nhưng trên thực tế thì hầu hết các cặp vợ chồng đều đã thuộc lòng mọi lý thuyết như vậy. Vậy tại sao ngày càng có nhiều gia đình lục đục và ly dị. Như vậy là còn có những gì thiếu sót trong việc giáo huấn cho cặp vợ chồng? Điều thiếu sót này có lẽ chính là điều ĐGH đã hiểu và muốn nói đến chăng?
Học lý thuyết chẳng khác gì đọc một vài bài võ thuật, cần phải tu luyện bài võ đó hằng ngày mới đạt đến thành công. Tu luyện là tu tâm tính, tu thân. Kẻo có khi mình giảng dậy mà chính mình cũng không làm được, cũng vẫn đụng độ với người chung quanh.
Khi nghe người ta phản đối ĐGH Francis, tôi nhớ lại ngày xưa, thời ĐGH Gioan Phaolô II, khi Ngài lên tiếng xin lỗi thế giới vì những sai lầm của một số phần tử trong Giáo-hội đã lầm lỗi thì một sổ Hồng-y cạnh ngài cũng đã hết sức phản đối, nói rằng mình đâu có làm lỗi gì!
Từ lâu nay, nhiều nhà mô phạm, đã nhìn những vấn nạn xã hội với quan điểm đạo đức và thiên về phê bình lên án. Đến nay thì một số nhà giáo dục và mô phạm kể cả những cấp cao trong Giáo-hội từ ĐGH, và nhiều Hồng-y, Giám-mục, từ Công-đồng Vatican II đã có những tư tưởng cởi mở hơn về nhiều vấn đề gia đình và xã hội. Nhưng rồi những tư tưởng cởi mở này cũng đã lại gây ra sự chia rẽ trong Giáo-hội ngày càng rạn nứt giữa phe bảo thủ và phái tiến bộ.
Chúng tôi là những giáo dân, nên chỉ nhìn vấn đề theo trải nghiệm sống của riêng mình. Chúng tôi mở cửa đón nhận những đổi mới của xã hội và tìm phương cách sống thích hợp.
Là những người đông con nhiều cháu nên nên chúng tôi nhìn sự việc từ phương vị của bậc cha mẹ nhìn đến những đứa con của mình với lòng thương yêu để cảm thông và tìm cách sửa đổi tình trạng. Chúng tôi nghĩ rằng những khuynh hướng lên án, phê bình bao năm qua không đem lại kết quả gì mà trái lại, còn làm xa cách thêm với giới trẻ.
Vậy phải thay đổi lại phương cách giáo dục, giáo huấn chăng!
Nguyễn Thất-Khê.
Comments