top of page

27. Sống mùa chay với khái niệm mới.

Sống mùa chay với khái niệm mới.


Một người đi làm ăn xa, nay trở về tổ ấm gia đình, ở đó có cha mẹ và vợ con. Mọi người gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách, thật vui mừng làm sao. Cha mẹ già thấy đứa con vất vả gầy ốm mà vừa mừng vừa thương, trong khi người vợ còn lặng lẽ ngắm nghĩa chồng thì lũ còn quấn quýt ôm lấy bố. Cả nhà ổn ào vui vẻ, đầy cảm xúc… và sau đó là kể cho nhau những chuyện của thời gian qua, những chuyện vui buồn vất vả thắng bại v.v.

Sau đó là những ngày giờ nghỉ ngơi, thư giãn để lấy sức cho tương lai. Đây là một thời gian đầy kỷ niệm đáng ghi nhớ và cũng rất bổ ích cho cuộc sống.


Mùa chay cũng đem đến cho ta một dịp nghỉ ngơi để trở về với chính ta, gia đình và cộng đoàn, sau một năm bương chải làm ăn vất vả với cuộc sống.

Giáo hội và cộng đoàn đều chuẩn bị và sẵn sàng đón mời ta đến tham gia các hoạt động tâm linh với cộng đoàn, còn chúng ta nghĩ sao về mùa chay?

Phần đông chúng ta không mấy quan tâm đến mùa chay vì những từ ngữ “ăn chay, kiêng thịt”, đầy buồn tẻ hoặc làm việc bác ái, hy sinh chỉ nói lên sự cho đi và mất mát. Ít khi ta hiểu tìm hiểu sâu sa về sự lợi ích của những việc này.

Khi khuyến khích chúng ta thực hành những công việc trên đây, Giáo-hội muốn chúng ta dành thời gian này để đi vào nội tâm, để tôi luyện sức đề kháng với những đổi đòi hỏi xác thịt, tu luyện thêm để kiểm chế dục vọng, tham lam, bớt đi tính ích kỷ và biết nhìn đến người khác. Đó là Ý nghia của mùa chay và là những đức tính mà con người phải có để xứng đáng là một con người có nhân nghĩa của đạo làm người.


Vì vậy mọi người chúng ta, nhất là các bạn trẻ, những người còn đang lam lũ với cuộc sống đầy tranh đua, nhất là sống trong lãnh vực đầy cám dỗ về Danh và Lợi, nên dành thời gian suy tư để vun trồng một Ý thức mạnh mẽ và tạo dựng động lực để có một chương trình lâu dài, nâng cao cuộc sống của mình và gia đình xã hội.


Chúng ta nên coi những công việc này là một cách tu-thân không phải chỉ là trong mùa chay mà là cách sống hằng ngày. Những đề tài ăn chay, hảm mình, hi sinh, nên được trình bày theo hướng tích cực mà khi tập luyện được, nó sẽ sinh lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Khi nhìn vào cuộc sống của một gia đình ấm êm hạnh phúc, Ta thấy mọi thành phần đều biết hy sinh cho nhau, sống với nhau và sống cho nhau nghĩa là anh em thì sống với nhau và cha mẹ thì sống cho con cái và vì con cái.


Vì vậy, cần chia sẻ cho giới trẻ sự lợi ích về mặt này, vì xu hướng tự nhiên thì con người nếu thấy có lợi thì mới ham thích và dẫn thân. Cũng như người luyện tập thể thao hay kiêng ăn uống để giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp hay người không sợ đau đớn để giải phẫu sắc đẹp, vì thấy cái lợi. Ngay cả khi ta làm việc bác ái thì đôi khi trong thâm tâm ta cũng tự hỏi có lợi gì không, có ai biết không, có được bằng khen thưởng lớn nhỏ nào không. (Chính vì tâm lý này mà nhiều công trình, dù mang tính đạo đức, cũng phải lợi dụng cách “bằng khen thưởng” để gây quỹ, mà đôi khi phải đi ngược lại lời giảng dạy về đức khiêm nhường).


Việc Tu đức là trách nhiệm phải làm. Vì là con người, nên ta phải sống xứng đáng với tư cách, nhân phẩm của một con người. Ai cũng muốn sống trong mái ấm gia đình êm đềm hạnh phúc, nhưng mỗi người phải biết góp công xây dựng, từ việc lớn nhỏ, từng ngày từng giờ. Người trưởng gia đình phải là người đầu tiên làm gương mẫu. Muốn con cái ngoan ngoãn thì mình trước hết phải biết kính mến cha mẹ mình rồi thương yêu con cái và lo lắng cho gia đình.

Tôi nhớ lại một vài kỷ niệm tập tành tu đức thời Nghĩa-bình, chúng tôi phải lập sổ thiêng liêng hằng ngày trong đó có những mục như sau: vâng lời cha mẹ bao nhiêu lần, nhường nhịn anh em bao nhiêu lần, giúp đỡ người già cả, giúp đỡ hàng xóm, kể cả việc nhỏ nhặt như nhặt rác chung quanh nhà, bao nhiêu lần v.v.

Ngày nay nhìn lại, tôi thấy những bài học đơn giản này nên được kéo dài đến suốt đời. Bao gia đình sống trong bất hòa vì thiếu vắng lòng tha thứ và kiên nhẫn chịu đựng.


Đến đây tôi nhớ lại một chuyện của ông bạn tôi, ông dạy con khi con lập gia đình, ông nói: có vài điều các con phải đặt lên hàng đầu là:

- Vợ chồng nên thảo ra một bản thỏa hiệp, trong đó vạch ra trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người. Kể cả về tiền bạc chi tiêu, nhất là các chi tiêu lớn. khi có bất đồng thì người có trách nhiệm chính trong lảnh vực đó, sẽ có quyền nhiều hơn v.v. và họp nhau theo định kỳ nào đó để kiểm kê và sửa sai v.v.

- Luôn nhắc nhở mình rằng gia đình là một mái ấm cho toàn thể trong đó có ta và mọi người. Sở thích cá nhân phải đặt sau hạnh phúc chung. Đây là một kinh nhật tụng mà sáng-trưa-chiều-tối, mỗi người phải đọc liên lỉ để nhập tâm.

- Phải tập nhịn nhục và rộng lượng với nhau. Khi gặp điều gì khó chịu thì phải coi đó là dịp để thực tập và lập tức kiềm chế, bình tĩnh tìm cách nhẹ nhàng đối phó. Và bạn tôi cũng đề ra cách tập luyện này, là hai vợ chồng thỏa thuận rằng thỉnh thoảng mỗi bên giả vờ làm gì lỗi lầm hoặc giả bộ gây gổ để bên kia có dịp nhẫn nhịn và kết quả là đôi khi một bên giận dữ thật nhưng bên kia lại tưởng là mình đang bị thử thách nên ráng nhẫn nhịn và thế là tập quen và tiến bộ... Tôi thấy đây là một trò chơi đáng bắt chước và xin chia sẻ với các đôi bạn trẻ.


Kết luận: Trên đây chúng tôi dài dòng để giới thiệu một cách kéo dài mùa chay thành kiểu “mùa chay nối dài”.

Nhiêu người không ngại chịu đựng khó nhọc tập thể dục, ăn uống kiêng cữ để tô điểm sắc đẹp(1) cho thân xác, thì ta cũng nên chú ý đến việc xây dựng một thứ mùa chay kéo dài và xoay đổi cách nhìn là mùa chay buồn rầu tiêu cực với hãm mình hy sinh, và thay vào đó là thái độ tích cực rằng mọi việc sẽ đem lại thành quả làm ta tăng trưởng phần nhân phẩm và tư cách và kết quả là sẽ đem lại hạnh phúc hơn cho ta và mọi người.


Con người phải có một Đạo để thờ kính và bắt đầu tối thiểu là Đạo làm người.

_________________________________________________________


Phụ lục: Vài quan niệm về việc ăn chay kiêng thịt cần sửa lại. Thời xưa khi phần đông giáo dân còn ở mức độ thô sơ thì các cha, các thầy chỉ dạy giáo lý một cách đơn giản, vì thế ngày nay nhiều người vẫn còn thắc mắc rằng nếu bánh có thịt thì không ăn thịt hoặc không ăn nước canh có thịt v.v. Hoặc ăn chay thì ăn một nửa phần ăn (mà đôi khi một nửa phần ăn cũng đã quá no). Đó là các cách hiểu rất máy móc cần sửa lại.

Thời xưa khi món thịt được coi là ngon và bổ nhất cho thân xác, cho nên Giáo-hội khuyên ta tập kiểm chế sở thích của xác thịt. Ngày nay có nhiều người đã thay thế món món thịt bằng nhiều món ăn ngon hơn, hoặc cầu kỳ hơn là làm món thịt giả để ăn giống như thịt. Làm như vậy là ta đánh mất mục đích của mùa chay.

Ta có thể ăn thịt trong nhiều trường hợp, ví dụ: cần đủ sức khỏe để làm công việc nặng hoặc là công việc cho công chúng; khi lỡ kêu món thịt tại nhà hàng hay khi được mời ăn cơm khách hoặc không có món gì khác để ăn hoặc gia đình nghèo ít khi có thịt mà ăn v.v. Và ta nên chú trọng đến mọi việc hy sinh hãm mình khác hơn là nghĩa đen của kiêng thịt và ăn chay.



Nguyễn Thất-Khê

_____________________________________


(1) Nói về trang điểm, chúng tôi xin nêu lên vấn đề trang điểm cho những nhân vật tại khu gian Cung-thánh. Nếu các nhân viên về trang điểm mà coi Thánh lễ trực tuyến thì sẽ thấy khuyết điểm là: đánh phấn cho nhiều người ở phía mặt quá đỏ làm lộ rõ sự khác biệt giữa làn da ở mặt và làn da ở cổ và hai bên phía tai. Thỉnh thoảng lại thấy có cả người đọc sách, Nam giới, cũng được trang điểm mặt đỏ như vậy. Chúng tôi cũng nghĩ rằng khi nữ tu lên đọc sách cũng không nên dùng môi son quá đỏ vì không hợp với nữ tu.

10 views0 comments
bottom of page